
Trong bối cảnh kinh doanh ngày càng phát triển đa dạng, hộ kinh doanh cá thể trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều cá nhân, hộ gia đình khi muốn khởi nghiệp nhỏ gọn, ít thủ tục, chi phí thấp. Tuy nhiên, không ít người vẫn còn mơ hồ về thủ tục đăng ký, hồ sơ cần chuẩn bị cũng như những nghĩa vụ pháp lý đi kèm sau khi thành lập hộ kinh doanh. Qua bài viết này, Luật Trường Hải sẽ giúp bạn nắm rõ toàn bộ quy trình từ A–Z: cần làm gì, chuẩn bị giấy tờ gì, nộp ở đâu, và sau khi thành lập phải tuân thủ những quy định pháp luật nào. Đây chính là cẩm nang hữu ích dành cho những ai đang ấp ủ ý định mở hộ kinh doanh riêng, tránh rủi ro pháp lý, tiết kiệm thời gian và chi phí khi khởi sự.
Khái niệm hộ kinh doanh
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về khái niệm hộ kinh doanh là gì. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021 về đăng ký doanh nghiệp quy định cụ thể như sau: “1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”
Theo đó, một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh thì gọi là hộ kinh doanh.
Dù hộ kinh doanh và doanh nghiệp đều được coi là tổ chức kinh tế, thực hiện các hoạt động thương mại nhưng hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp.
Điều kiện thành lập hộ kinh doanh
Theo Điều 82 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Ngành, nghề kinh doanh không vi phạm các quy định của pháp luật về cấm đầu tư kinh doanh
– Tên của hộ kinh doanh phải tuân thủ theo các quy định sau:
-
- Bắt buộc có hai thành tố: “Hộ kinh doanh” + “Tên hộ kinh doanh”.
- Tên hộ kinh doanh chỉ sử dụng chữ cái tiếng Việt kèm theo F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu đi kèm.
- Không sử dụng các cụm từ như “Công ty”, “Doanh nghiệp”.
- Không sử dụng ngôn ngữ vi phạm truyền thống, lịch sử, văn hoá, thuần phong mỹ tục.
- Tên hộ kinh doanh không trùng với tên của các hộ kinh doanh khác trong cùng huyện.
– Hồ sơ đăng ký kinh doanh phải đầy đủ và hợp lệ theo quy định của Nhà nước
– Nộp lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của Nhà nước
Hồ sơ, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
Để việc đăng ký hộ kinh doanh được tiếp nhận nhanh chóng, đúng quy định, cá nhân hoặc hộ gia đình cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo mẫu, tránh thiếu sót giấy tờ khiến phải bổ sung, mất thời gian. Vậy hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh gồm những gì, chuẩn bị ra sao, nộp tại đâu?
Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký kinh doanh bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
– Giấy tờ pháp lý cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 85 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện không được yêu cầu người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Thực hiện nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ cá thể ở tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh theo 2 cách:
– Cách 1: Nộp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện
– Cách 2: Nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh online tại Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến
Sau khi nộp hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trong 03 ngày làm việc. Cụ thể:
– Nếu hồ sơ hợp lệ: Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hộ kinh doanh được cấp cho người đăng ký trong vòng 03 ngày làm việc tính từ ngày hồ sơ được nộp cùng với lệ phí đúng quy định;
– Nếu hồ sơ không hợp lệ: Cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho cá nhân nội dung cần chỉnh sửa/bổ sung dưới dạng văn bản;
Nếu sau 03 ngày làm việc, cá nhân hộ kinh doanh không nhận được thông báo sửa đổi/bổ sung hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật.
Nghĩa vụ pháp lý sau khi thành lập hộ kinh doanh
– Không được kinh doanh những ngành, nghề bị cấm kinh doanh. Trường hợp hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề bị cấm thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo về hành vi vi phạm và ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
– Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo yêu câu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
– Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
– Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.
– Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp hộ kinh doanh chuyển địa chỉ sang quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nơi hộ kinh doanh đã đăng ký, hộ kinh doanh gửi thông báo về việc chuyển địa chỉ đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi dự định đặt địa chỉ mới. Kèm theo thông báo phải có bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc đăng ký thay đổi địa chỉ đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập và bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.
– Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh.
– Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.
Việc thành lập hộ kinh doanh là bước đi phù hợp cho cá nhân hoặc hộ gia đình mong muốn khởi sự kinh doanh với quy mô nhỏ, linh hoạt. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả và bền vững, chủ hộ cần nắm rõ các quy định pháp luật về hồ sơ, thủ tục cũng như nghĩa vụ pháp lý sau khi thành lập. Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và tự tin hơn trong quá trình triển khai hoạt động kinh doanh của mình.